Giới thiệu:
Truyện kể về cuộc đời của Tnú, một người con kiên cường của dân làng Xô Man, Tây Nguyên qua lời kể trầm hùng của cụ Mết. Tnú vốn là một đứa con mồ côi được dân làng Xô Man che chở, nuôi lớn và trưởng thành. Ngay từ nhỏ Tnú đã tỏ ra gan gốc, dũng cảm lạ thường.
Tnú tuy học chữ rất chậm nhưng lại rất sáng dạ trong hoạt động giao liên, trong khi hoạt động Tnú bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng Tnú vẫn giữ một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Sau khi ra tù, Tnú cưới Mai làm vợ, khi mới sinh được đứa con trai thì một sự việc đau lòng xảy ra. Bọn thằng Dục đã bắt mẹ con Mai để dụ Tnú ra đầu hàng nhưng Tnú không xuất hiện, chúng đã đánh đập dã man mẹ con Mai. Lòng căm thù trào dâng, Tnú xông ra cứu mẹ con Mai nhưng mẹ con Mai đã chết, Tnú bị bắt và bị đốt mười đầu ngón tay. Cụ Mết đã lãnh đạo dân làng Xô Man vùng dậy chém giết kẻ thù, giải thoát cho Tnú. Cũng từ đó dân làng Xô Man đã đứng dậy cầm giáo mác để bảo vệ buông làng của mình, còn Tnú thì tham gia lực lượng vũ trang.
Câu chuyện về Tnú và dân làng Xô Man là câu chuyện phản ánh sự vùng dậy mãnh liệt của nhân dân Tây Nguyên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Ở các nhà vẫn còn có những cái đầu lấp ló. Các cô không chạy ra, chỉ ngồi trong nhà, cười rúc rích. Cả làng đã vây chặt quanh Tnú. Anh nhận ra tất cả. Ông già Tâng này, vẫn chòm râu quai nón đó, chỉ thêm cái ống điếu dài, gò bằng sắt máy bay trực thăng; anh Pre này, trông già hẳn đi; chị Plom này, tóc đã lốm đốm bạc; bà già Prôi này, đã rụng hết cả hai hàm răng rồi… một lũ trẻ lau nhau, đứa nào đứa ấy mặt mày lem luốc khói xà nu. Còn ông già Mết đâu rồi? Tnú định hỏi:
- Cụ Mết đâu?
Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một cái kìm sắt. Anh quay lại: cụ Mết! Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Ông cụ đẩy Tnú ra một bước, nhìn anh từ đầu đến chân, rồi phá lên cười:
- Hà hà!… Đeo cả tôm-xông về à!… Anh lực lượng… Được!
Tnú hiểu ý ông cụ. Ông không bao giờ khen “Tốt! Giỏi!” Những khi vừa ý nhất, ông chỉ nói “Được”.
Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt. Ông nói như ra lệnh, sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ, ồ, dội vang trong lồng ngực.
- Cấp chỉ huy cho về mấy đêm?… Một đêm à, được! Cho một đêm, về một đêm, cho hai đêm, về hai đêm, phải chấp hành cho đúng. Đêm nay mày ở nhà tau.
Không ai phản đối. Ông cụ lại nói:
- Thôi ai về nhà nấy, trời hết sáng rồi, làm lửa nấu cơm được rồi đó. Lũ con nít đi tắm nước cho sạch, rửa hết khói xà nu đi, đừng có vẽ mặt như văn công đóng kịch nữa, đứa nào không sạch thì phê bình nghe chưa?… Thằng Tnú cũng đi rửa chân đi. Mày có nhớ cái máng nước ở chỗ nào không?… Nhờ à, được. Tưởng quên rồi thì tau đuổi ra rừng, không cho ở làng nữa đâu.
Nói vậy, nhưng ông cụ vẫn bảo Tnú đưa ba lô và tôm-xông cho ông, rồi thân hành dẫn anh ra tới máng nước đầu làng. Lũ trẻ con ùa theo rối rít. Có mấy cô gái Tnú nhớ mặt, nhưng không kịp nhớ ra tên, đang lấy nước vào những ống bương dài, vác ống đứng tránh ra một bên, nhường vòi nước cho anh. Vừa rửa sạch ở suối nhỏ rồi, nhưng Tnú vẫn rửa lại. Anh cởi áo ra để cho vòi nước lạnh ngắt của làng mình giội lên đầu, lên lưng, lên ngực như những ngày xưa, cũng chính chỗ vòi nước đây, trên tấm đá bằng vẹt hằn một bên vì ông cụ Mết vẫn mài dao ở đấy.
Ông cụ Mết đứng lặng nhìn tấm lưng rộng của Tnú. Những vết thương xưa vẫn còn ngang dọc trên tấm lưng ấy, đã thành sẹo tím. Từ đôi mắt ông cụ lăn ra hai giọt nước mắt lớn, ông lén trở tay chùi một cách vội vã. Tnú không kịp thấy. Còn lũ trẻ thì ngơ ngác, sửng sốt…
Từ các nhà đã quyện lên những sợi khói tím thẫm.