- Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tranh khắc gỗ xuất hiện với diện mạo phong phú hơn về đề tài và cách thể hiện. Các bức tranh Mùa xuân của Nguyễn Thụ, Mẹ con của Đinh Trọng Khang, Chùa Tây Phương của Trần Nguyên Đán, Ông cháu của Huy Oánh, Ba thể hệ của Hoàng Trầm,... đã có vị trí xứng đáng trong nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam.
- Tuy sơn dầu là chất liệu của phương Tây du nhập vào nước ta nhưng đã được các hoạ sĩ Việt Nam sử dụng rất thành thạo và có hiệu quả, vì thế tranh sơn dầu có sắc thái riêng biệt và mang đậm tính dân tộc. Các bức tranh: Một buổi cày của Lưu Công Nhân, Đồi cọ của Lương Xuân Nhị, Băng chuyền trên mỏ Đèo Nai của Nguyễn Tiến Chung, Công nhân cơ khí của Nguyễn Đỗ Cung, Tiếng đàn bầu của Sĩ Tốt, Phố Hàng Mắm và các tranh vẽ phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái, Thanh niên Thành đồng của Nguyên Sáng,... là những tác phẩm thành công về nghệ thuật và cách sử dụng chất liệu sơn dầu.
- Màu bột là chất liệu phù hợp với điều kiện Việt Nam, dễ bảo quản và có khả năng diễn tả phong phú. Các tranh: Đền Voi phục của Văn Giáo, Mùa xuân trên bản của Trần Lưu Hậu, Ao làng của Phan Thị Hà,... đã chứng minh điều đó.
Cùng với hội hoạ, điêu khắc hiện đại Việt Nam với nhiều chất liệu: gỗ, đá, thạch cao, xi măng, đồng,... đã có nhiều tác phẩm thành công, phản ánh được hiện thực xã hội. Các bức tượng: Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi, Liệt sĩ Võ Thị Sáu của Diệp Minh Châu, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nguyễn Hải, Vân dại của Lê Công Thành, Vót chông của Phạm Mười,... là những tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.
Nhớ một chiều Tây Bắc. Tranh sơn mài của Phan Kế An