Xuất bản năm:
2011
Giới thiệu:
Sách giáo khoa: Âm nhạc và Mĩ thuật 8 được biên soạn gồm hai phần:
Phần Âm nhạc: gồm có 8 bài, 35 tiết tập hát, học hát, nhạc lí, tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức
Phần Mĩ thuật: gồm có 35 bài vẽ trang trí, vẽ tranh, vẽ theo mẫu, thường thức mĩ thuật
BÀI 10 THƯỜNG THỨC MĨ THUẬT | SƠ LƯỢC VỀ MĨ THUẬT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975 |
I - VÀI NÉT VỀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Đất nước ta tạm bị chia làm hai miền. Miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai để hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1964, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Cùng với quân dân cả nước, các hoạ sĩ cũng tích cực tham gia vào mặt trận sản xuất và chiến đấu. Những tác phẩm của họ đã phản ánh sinh động khí thế xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
II - THÀNH TỰU CƠ BẢN CỦA MĨ THUẬT CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, các hoạ sĩ có nhiều điều kiện, thời gian để sáng tác hơn. Các cuộc triển lãm mĩ thuật ở trong và ngoài nước đã khẳng định những thành tựu nghệ thuật của họ. Nền mĩ thuật Việt Nam phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, hình thành đội ngũ đông đảo các hoạ sĩ sáng tác.
Về thể loại và chất liệu, các hoạ sĩ đã nghiên cứu những chất liệu và cách diễn tả mới làm phong phú thêm cho nghệ thuật dân tộc.
- Sơn mài là chất liệu truyền thống đã được các hoạ sĩ không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Những tác phẩm sơn mài thành công là: Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn, Bình minh trên nông trang của Nguyễn Đức Nùng, Tổ đổi công miền núi của Hoàng Tích Chù, Nông dân đấu tranh chống thuế của Nguyễn Tư Nghiêm, Tre của Trần Đình Thọ, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm và các tranh sơn khắc như Thôn Vĩnh Mốc của Huỳnh Văn Thuận,...
- Trải qua quá trình phát triển, tranh lụa đã có những đổi mới về kĩ thuật cũng như về nội dung đề tài. Các bức tranh: Được mùa của Nguyễn Tiến Chung, Ghé thăm nhà của Trọng Kiệm, về nông thôn sản xuất của Ngô Minh Cầu, Bữa cơm mùa thắng lợi của Nguyễn Phan Chánh, Làng ven núi của Nguyễn Thụ,... là những tác phẩm được cống chúng đánh giá cao.