BÀI LÀM
Nhắc đến những nhà văn, nhà thơ cách mạng trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ta không thể không nhắc tới Tố Hữu. Nói đến Tố Hữu, ta thường liên tưởng đến ngay một thể loại thơ ca đầy tính chiến đấu, đầy lý tưởng với phong cách thơ chính trị. Tuy nhiên, Tố Hữu không chỉ sáng tác những bài thơ chính trị khô khan. Ta không thể quên những sáng tác đầy chất trữ tình, mượt mà, tươi sáng, đậm nét dân tộc như đoạn thơ sau:
... Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đỏ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Đoạn thơ trên trích trong bài Việt Bắc được sáng tác năm 1954, khi Trung ương Đảng dời về Thủ đô Hà Nội, bày tỏ sự thủy chung và biết ơn với những đóng góp to lớn của Việt Bắc cho kháng chiến. Đoạn thơ này thiên về tả cảnh thiên nhiên và bộc lộ rõ tài năng thi ca của Tố Hữu bằng thể thơ sở trường của ông: thể lục bát.
Đoạn thơ là một bức tranh Việt Bắc qua bốn mùa và hàm chứa một nỗi nhớ nhung da diết cũng như biểu lộ tấm lòng chung thủy của tác giả nói riêng, cũng như người cán bộ nói chung đối với Việt Bắc.
Hai câu đầu của đoạn thơ là lời hỏi và kể của người ra đi, muốn biết lòng người ở lại như thế nào và tự bộc lộ tấm lòng của mình. Tám câu tiếp theo vẽ nên thiên nhiên Việt Bắc đầy thơ mộng và con người Việt Bắc đầy thân thương qua lời của người đi. Đầu tiên, mùa đông xuất hiện với những bông chuối đỏ rực trên nền rừng xanh thẳm của những buổi hoàng hôn và hình ảnh con người lao động vui tươi. Tiếp đến là mùa xuân rực rỡ màu trắng của mơ và hình ảnh người đan nón. Rồi mùa hạ đến đầy màu vàng của rừng phách và đầy âm thanh của tiếng ve. Con người lại xuất hiện dưới hình ảnh cô gái một mình đi hái măng. Kết thúc là rừng thu ngập ánh trăng và không gian ngập tiếng hát. Cứ mỗi câu thơ tả thiên nhiên lại có một câu thơ tả con người, con người hòa quyện trong thiên nhiên nhưng không chìm trong thiên nhiên mà luôn ở tư thế lao động, chủ động; thiên nhiên là nên nâng con người, tô điểm cho con người.
Có thể nói đây là một đoạn thơ với nhiều nghệ thuật tinh tế, tình cảm chân thực, xứng đáng là đoạn thơ hay nhất trong bài Việt Bắc. Ngay từ câu mở đầu, lời của người đi đã có một sức truyền cảm đặc biệt nhờ tính mộc mạc chân thực của nó. Câu thơ chỉ như một câu nói bình thường nhưng lại rất chân thành, làm người đối diện xúc động. Nó đơn giản song lại da diết, thể hiện được sự mong mỏi của người đặt câu hỏi muốn biết tình cảm người kia dành cho mình và cũng như một ước mong: hãy nhớ tôi nhé! Như muốn chứng tỏ tình cảm của mình, người đặt câu hỏi lại kể hàng loạt những kỉ niệm về cảnh, về người: