Kẻ bại trận, trong hàng lý dịch thì đành đem triện đồng trả quan trên. Nhưng không phải có bao nhiêu lý dịch từ chức hết cả. Cho nên có rất nhiều kẻ bại trận trong hàng dân đen.
Cái điều dĩ nhiên, cái sự không thể tránh được là một khi dân gian đã chết đói dở vì không tiền mà còn bắt họ phải chi tiền, tất nhiên họ phải kêu ca. Người ta không thể làm cách nào khác, nếu không tụ họp nhau, bàn luận cách đối phó với thuế má mà người ta coi như một cái tai vạ.
Từng nhà một, người ta họp nhau trên đường cái quan. Nhân lúc phong trào đình công và biểu tình đương lan khắp ba kỳ, bọn dân bị lụt và bị hạn hán cũng làm một cuộc quần chúng vận động.
Giáo Minh đã sống chung những nỗi khổ của bần dân.
Chàng đã ở làng với mẹ, giữa hồi nước lụt, rồi nắng héo cây, gẫy cỏ, để thay cho Phú dạy học ở Hà Nội. Cụ Cử có chừng năm sào ruộng xưa nay vẫn cho cấy rẽ cũng có đủ hột gạo ăn quanh năm. Cụ không được Nhà nước cho vay tiền mua mạ cấy tái giá. Tuy vậy, khi nước rút, Minh cũng có mua mạ. Nhưng trời nắng. Ruộng của mẹ chàng cũng khô nẻ cả, mạ đem về đành để đun bếp. Thấy dân tình đói khổ quá, chàng bèn nghĩ cách cùng họ chiến đấu trong vòng pháp luật... Người ta thấy chàng lên tiếng biện bác hoặc bàn soạn trong các đình làng. Người ta lại thấy chàng đi đi lại lại kiểm điểm cắt đặt cái lũ sáu trăm con người đã xếp hàng hai dài trên con đường cái quan. Những người làng cùng với Minh thì có từ anh Hai Cò, nghèo nhất làng, cho đến ông chánh Mận giàu nhất làng, nhưng bị nước lụt và hạn hán phá sản. Ông lý trưởng đã đem triện lên trả quan trên. Ông chánh hội đứng trung lập. Những người khác thì hùa nhau theo số đông.
Minh mừng thầm, thấy dân quê đã giác ngộ, đã khá hơn trước nhiều lắm.
Bữa ấy, còn bốn hôm nữa thì hết hạn đổ thuế. Thế cho nên những kẻ nào không có gì là vật quý giá đem ra bán nữa, hoặc có mà bán không ai mua, hoặc không được kết quả tốt trong cái sự cam tâm bán vợ đợ con, những kẻ đã trù trừ mãi sau những buổi họp kín ở các đình làng, bèn quả quyết rủ nhau lên đường cái quan... Sáu trăm người! ấy là không kể những kẻ nhút nhát muốn đòi bú mà không dám khóc, chỉ đứng xem dưới ruộng đất nứt.
Minh, ông chánh Mận, một viên chánh tổng, và ba viên cánh hội làng nào không biết, ấy đó, bộ tham mưu của cuộc biểu tình đồng hành.
Khi xem chừng không còn người nối đuôi vào cái đám rước của những kẻ đói khát ấy nữa, bộ tham mưu chia tay nhau ra dặn bảo những khẩu hiệu mà ai cũng phải hô, những lệnh mà ai cũng phải tuân theo. Được có người biết phương pháp chỉ bảo cho, dân gian ai nấy vâng lời tăm tắp, nức lòng phấn chấn.
Thẳng tiến! Lệnh đi đã hô rồi. Sáu trăm người bị lụt và bị hạn ấy lên thẳng tỉnh lỵ, vào dinh ông Công sứ đệ đơn xin khất vụ thuế tháng năm.
Cứ hai người một hàng... Những cái chân không dẫm đất lạch bạch cũng là một thứ nhạc binh hùng vĩ. Hàng đầu là một ít đàn bà và trẻ con. Rồi đến những kẻ trai tráng, những ông già. Đây là một bác khán thủ có nhà ngói, cây ít, mà nước lụt đã làm cho điêu đứng trôi mất con, trôi mất nhà. Kia là ông lý cựu mà hạn hán đã làm cho tiêu diệt nốt những cái lực mà ông cố gom góp được sau vụ vỡ đê. Nay người đàn bà quần áo lôi thôi lốc thốc gánh hai đứa con bằng hai cái thúng, vì người chồng, từ khi đi phu hộ đê, thì không thấy về nữa. Nọ là ông lão chưa được miễn thuế, người đã có một đứa con chết cho Pháp quốc, và một đứa nữa, chết cho sự hành hung của một ông tây đoan trong một cuộc khám rượu lậu ở làng... Trong sáu trăm người ấy, người nào cũng có nhiều sự phẫn uất phải giấu kín và một điều muốn kêu ca. Trong sáu trăm người ấy thì không mấy ai có một bộ quần áo lành lặn, và tất cả đều có những nét mặt đau khổ, tê tái. Đạo binh những người thất nghiệp, vong gia. Đạo binh những kẻ đói khát không sợ vào tù. Một đàn những con cừu biết kêu to khi thấy người muốn cạo hết cả len, dạ.
Giữa buổi trưa, trời nắng chang chang...
Đạo binh bệ rạc rầm rộ cứ thẳng đường tiến bước.