Giới thiệu:
Vỡ Đê (1936), là một tiểu thuyết phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực…
Tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945. Nhà văn đã ca tụng những người cộng sản trong toà báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột đề chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác.
CHƯƠNG 7
Vì sốt ruột mãi chưa thấy chị về trong khi người làng đã lác đác có người về. Phú mượn một mảng bè nứa với một con sào, đánh bè ra đi. Trong lúc hỏi thăm, chàng đã biết qua rằng dân đi lĩnh chẩn đã phải trở về tay không Chưa hiểu vì lẽ gì! Cho nên chàng lại càng lo lắng về sự chậm trễ của Tuất.
Độ nửa tiếng đồng hồ, khi chiếc bè lênh đênh trên những ngọn sóng đồng thì Phú mới thấy thuyền của Tuất hiện ra đằng xa. Chàng cắm sào lại, đợi...
Lúc ấy, thằng cu Hiền đã ngồi ngoan ngoãn trong lòng bác Minh của nó với cái bánh và miếng giò. Minh cũng đã bỏ âu phục ra, ngồi trên chiếu cạnh mẹ. Hai mẹ con từ đấy trở đi bắt đầu nói tất cả các chuyện. Phú đã phàn nàn:
- Ấy đấy, giả dụ đừng có lụt lội mà được anh về thế này thì còn vui biết bao nhiêu!
Nhưng Minh vội cãi:
- Thôi, người đời có ai được hoàn toàn sung sướng lúc nào bao giờ!
Rồi Minh hỏi đến Tuất. Bằng ba câu tóm tắt, Phú thuật những cái khổ của chị thì Minh ngậm ngùi ôm thằng Hiền lên mà hôn hít một cách thương xót. Ngay lúc ấy, Phú muốn Tuất về ngay cho mau. Anh Minh về là đáng mừng rồi: chả lĩnh chẩn thì đừng!... Thế là Phú để Minh một mình đôi hồi với mẹ, mượn bè của một người làng, đánh ra, đi... Chàng phải đi đón Tuất để báo ngay cái tin mừng ấy cho Tuất mới được!
Vậy mà, bây giờ trông thấy Tuất, Phú lại đổi ý. Không, chàng chẳng báo cho chị biết vội, cứ để chị về, rồi đột nhiên trông thấy, bất kỳ như thế cũng như Phú, thì hơn!... Phải, phải! Báo trước là nghĩa lý quái gì!
Nghĩ vậy, Phú khoanh tay đứng, rồi ngồi xổm xuống những cây nứa, hai tay bó gối. Giữa cánh đồng trên trời dưới nước, gió thổi ào ào vào mặt Phú, lùa vào hai cánh tay cụt của cái áo rách ấy mà vào nách. Trong một phút hiếm có mà cái trí não người ta sáng suốt một cách lạ, Phú thấy mình đã trở nên người dân quê cả trăm phần trăm. Thật thế, nước lụt đã làm cho Phú không ngại chân lấm tay bùn, biết bơi, lặn, chở đò, chặt tre, quấn thừng, ăn cơm ngô khoai, làm những việc nặng nhọc và nhịn đói, những cái mà người xưa kia đã là một "sinh viên" trường Bưởi thì tưởng không bao giờ kham nổi. Chàng vừa mừng vừa ngạc nhiên cho sự thích hợp hoàn cảnh của mình.
Trông thấy Tuất, Phú bỗng thấy nẩy ra trong óc cái ý tinh quái, muốn trêu ghẹo người chị lắm nước mắt, chàng nạt nộ:
- Thế nào! Gạo đâu! Tôi đi đón chị đây!
Tuất cau mặt gắt:
- Ỡm ờ gì thế? Mượn bè nhà Vạc ra đây mà lại còn không biết!
Phú làm bộ ngơ ngác rõ nhiều:
- Tôi mượn bè thì họ cho mượn chứ họ có bảo gì tôi đâu.
Chị Hai Cò le te mách ngay:
- Bác Tuất lúc ấy khóc mãi rồi đấy. Quan tỉnh có về, nhưng mà chả có hột gạo nào! Ai nấy rủ nhau về tay không!
Phú gắt:
- Lại có chuyện lạ thế nữa!