Giới thiệu:
Vỡ Đê (1936), là một tiểu thuyết phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực…
Tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945. Nhà văn đã ca tụng những người cộng sản trong toà báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột đề chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác.
Đến đấy, cả hai cùng bước ra khỏi phòng giam, ông lục sự thì cắp cặp giấy má, anh Cạp thì tay xách một chiếc ghế mây, tay kia bưng một cái đèn con. Sau khi ông lục sự lách cách khóa cửa, cả hai đến chỗ anh lính cơ nằm. - Này đây chìa khóa! Canh gác mà ngủ gật thế! Ông lục sự nói xong bèn đập cái thìa khóa đánh chát một cái xuống thành ghế vải. Anh lính cơ hoảng hốt đứng phắt lên, mồm kêu: "Vâng, cụ để đấy con xin!" Rồi anh ta vớ ngay dùi, lại đập vào miếng sắt treo ngang đầu một tiếng keng, xong anh ta lại hút một mồi thuốc lào. Sau cùng thì chờ khi ông lục sự và người giúp việc ông đi khuất sau một cái hàng rào, anh ta lại nằm vật xuống ghế vải, quên khuấy cả chiếc thìa khóa bỏ ở thành ghế.
Đứng nấp sau gốc bàng, căn cứ vào những điều tai nghe mắt thấy, Dung nhận ra rằng dễ thường cái việc trinh thám suông của nàng có thể là một việc giúp cho tội phạm vượt ngục! Ừ, nếu có thể thì sao lại chẳng giúp cho người ta vượt ngục?
Lúc ấy, tâm hồn Dung say sưa trong cái thi vị của sự dự định, nó có vẻ tiểu thuyết lắm, Dung cứu vớt được một người! Người ấy sẽ suốt đời nhớ ơn Dung, phải lòng Dung, nhưng mà Dung thề trước là sẽ không yêu đâu. Do một sự đùa nghịch của nàng, cả một gia đình sẽ thấy hạnh phúc! Thật là một cử chỉ nên thơ! Thốt nhiên nàng nhớ lại rành mạch một truyện đoản thiên của Guy de Maupasạant trong đó một vị công chúa Nga la tư, trong một chiếc tàu đắm, đã cứu vớt được người đàn ông, để cho về sau người này cứ theo đuổi ân nhân của mình bằng một mối tình đau đớn, kín đáo và ôm hận suốt đời, khi ân nhân chết. Sao Dung lại không như vị công chúa Nga?
Sao người thiếu niên này lại không có thể nhớ ơn được như người đàn ông tả trong truyện?
Một sức mạnh huyền bí của tiểu thuyết làm cho Dung bạo dạn rón rén đến gần cái ghế của người lính cơ. Người ấy đã lại ngủ, Dung khẽ rón lấy cái thìa khóa. Nàng lần đến cửa phòng giam, nó cách xa chỗ người lính ngủ đến mươi thước. Dung mở khóa, khẽ đẩy cửa. Nàng đánh diêm...
Ngồi xệp dưới đất, tựa lưng vào tường, Phú đương thở hổn hển bỗng phải trố mắt kinh ngạc.
Cái diêm tắt. Dung đánh cái diêm thứ hai. Như một cái máy, Phú đứng lên. Dung trỏ tay ra cửa. Phú bước ra ngoài bậu cửa. Dung ra theo, rồi cánh cửa lại khóa trái lại.
- Cứ đi theo tôi.
Rồi Dung dẫn Phú đi loanh quanh trong vườn. Đến một cái cổng nhỏ, Dung mở cổng. Rồi khẽ nói:
- Vỡ đê rồi! Mau về làng mà cứu lấy gia đình. Đi đi!
Phú đứng tần ngần hồi lâu, tưởng mình đang trong mộng. Đoạn run run kính cẩn hỏi:
- Thưa cô, cô là ai?
Dung khẽ cười mà rằng:
- Một nàng tiên xuống cứu người lâm nạn.
- Thưa cô...
- Thôi, không được hỏi gì nữa! Trốn ngay đi cho mau! Nội đêm nay không khỏi vùng này, ắt chết! Đi!
Phú hấp tấp nói rất cảm động:
- Tôi xin nhớ ơn đến chết.
Rồi đi, đi... không trông thấy người ấy nữa. Dung đến một bờ giếng, vứt cái chìa khóa xuống giếng. Sau cùng, nàng về phòng riêng với cái sung sướng đã làm được một việc ghê gớm, cái sung sướng ngây thơ của những thiếu nữ nông nổi trong một lúc cao hứng muốn chơi đùa.