Giới thiệu:
Vỡ Đê (1936), là một tiểu thuyết phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực…
Tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945. Nhà văn đã ca tụng những người cộng sản trong toà báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột đề chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác.
Đây kia một ông chánh tổng. Ông đến nói khuấy khóa, giọng lè nhè:
- Chào ôi! Chưa được việc gì cả mà đã om xòm lên. Vẫn biết Nhà nước có giấy sức đi là trả tiền, nhưng chưa đủ giấy má thì chưa có tiền chứ sao? Giấy còn tư về tỉnh, rồi tỉnh mới lại tư về huyện chứ? Phải chờ đợi việc quan là thường chứ? Thôi quan sắp ra rồi! Ai vào phận sự người ấy! Hãy cứ biết hộ đê đi đã, bao giờ có lệnh quan hãy hay! Các người giải tán đi!
Phú nói:
- Xin cụ biết cho rằng mực nước đã xuống! Như vậy dân phu mới dám họp nhau kêu cụ, nhờ cụ kêu lên quan cho! Chúng tôi khổ lắm rồi!
Người chánh tổng lè nhè:
- Tôi lên huyện đây! Để tôi xin kêu! Nhưng mà cứ đi làm việc đã!
Phú quay lại nói với dân phu:
- Ấy đấy! Sự tình là thế đấy, tùy các người xử trí.
Ba trăm người ấy lầu nhầu một hồi dài. Nhưng chưa chi, độ một trăm người đã vội giải tán đi các ngả. Một trăm người khác nữa, chột dạ, cũng giải tán theo. Còn lại một phần ba những kẻ bướng bỉnh nhất thì bị bọn lý dịch, lính tráng bắt giải tán bằng chửi rủa hoặc roi vọt.
Thế là, sau một lúc ỏm tỏi hỗn loạn, đâu lại vào đấy cả.
Phú lẳng lặng xuống thùng đấu với mấy người làng. Chàng lại căm tức dân phu hơn là bọn người có phận sự cai quản họ. Phú cho rằng đối với người trên, cùng dân phải hết sức nỗ lực, hết sức cương quyết, mới mong được việc. Trái hẳn lại, cái hăng hái của dân quê chỉ như lửa rơm, chưa nhóm đã tàn. Như vậy chỉ là trò trẻ, và những nguyện vọng chính đáng đến đâu rồi cũng bị khinh thường. Đã vậy, cái thất bại bây giờ còn đẻ ra bao nhiêu cái thất bại khác về mai sau. Dân quê! Dân quê khổ sở, bị áp chế chỉ vì thất học, mà đã thất học thì lại càng bị áp chế cho không thể học được nữa; như vậy, biết làm thế nào cho họ hành động nổi một việc ý thức được.
Cạnh Phú, anh hai Cò, anh xã Đấu, mấy người đàn bà... lại chăm chỉ làm việc, tựa hồ không có việc gì xảy ra. Phú thở dài, lầm bầm: "Nhẫn nhục ở đâu là một nết tốt, thì ở đây chỉ là một điều tai hại".
Lúc mặt trời đã lên cao quá ngọn tre, bọn phu được nghỉ tay để cơm nước. Lý dịch và tuần tráng xúm xít nhau lại ở cái hàng cơm cạnh điếm của mụ béo có đôi khuyên vàng. Được thả lỏng trong chốc lát, phu phen lại thấy cái cần phải bảo nhau quyết tìm một phương kế đương đầu lại mọi áp bức. Chẳng để lỡ dịp, Phú cầm một nắm cơm ở tay chạy vội đến một thùng đấu khác đông đàn ông nhất, cổ động lên tiếng:
- Tôi nói thật cho các ông biết, chứ dễ thường quan đã phát tiền cho lý dịch rồi mà bọn lý dịch tuần tráng ăn chặn của mình đi cũng nên! Các ông không biết tự cứu lấy thân thì các ông chết!... Phải phản đối kỳ cùng cho lòi những kẻ gian tà ra mới được.