Giới thiệu:
Vỡ Đê (1936), là một tiểu thuyết phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực…
Tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945. Nhà văn đã ca tụng những người cộng sản trong toà báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột đề chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác.
PHẦN II – CHƯƠNG 1
Ông huyện bỏ cái nón dứa, ngồi phịch xuống cái ghế gụ kiểu Tầu, thở hồng hộc. Ngọn đèn con dùng để châm đóm ăn thuốc lào chiếu một ít ánh sáng vàng vào mặt quan... Một cái mặt xương xẩu, lưỡng quyền rất cao với hai cánh râu thưa thớt vẽ ra hai vệt bóng đen võng xuống. Một cái mặt sa sầm như giời trước một cơn mưa rào.
Lúc ấy, bà huyện đương ngồi ở sập, xắt một khoanh giò lụa. Cách đấy vài thước, tại một cái kỷ nhỏ kê sát vào tường, một chiếc đèn măng sông đương được Kim Dung tiểu thơ đốt cho mồi cồn thứ hai. Những làn lửa xanh lè phì lên, liếm quanh cái bấc hình búp đa một cách huyền ảo, kỳ quái...
- Sao mà lâu thế, con? Mau lên để cậu xơi cơm chứ?
- Thưa me không biết sao mãi nó cứ không lên lửa?
- Đốt nữa đi! Nhanh lên!
- Vâng, con đương...
Vừa đến đây, lửa xanh bốc lên kín cả cái bấc sau một tiếng nổ ục, và ánh sáng đèn vấp phải ánh sáng ở hai hàm răng ngọc và ở hai đuôi mắt tuyệt đẹp của Kim Dung. Cả cái sắc đẹp lộng lẫy của thiếu nữ hiện ra với tất cả vẻ diễm lệ, vẻ huyền ảo của một cái hư ảnh. Con đường ngôi thẳng băng, hai mảnh tóc đen lay láy lòa xòa rủ xuống cái trán nở nang... với đôi má đầy đặn có nhung tơ như của hai quả đào. Kim Dung mê man nhìn vào cái măng sông như chìm đắm trong những điều bí mật của khoa học.
Bà huyện nhìn ra ngoài hè thấy anh lính lệ đương khoanh tay dựa lưng vào cột mà nhìn giăng sao trên giời như một nhà thi sĩ thì bảo:
- Kìa, lệ không vào cởi giày cho quan đi à?
- Dạ.
Quan vẫn ngồi thừ người ra, mắt lim dim... Cái áo tơi sau lưng, cái khăn trên đầu, đôi giày ống bó dưới cẳng. Lính lệ quỳ xuống đất vừa toan tháo đôi ống ra thì quan chợt mở mắt, từ tốn giơ cánh tay ra, xua... Lính lệ đứng lên, lại ra ngoài hè với cái cột. Bà huyện ngơ ngác nói:
- Để nó tháo giày, ông đi xơi cơm chứ? Bảy giờ rồi còn gì!
Vẫn không nói gì cả, quan đứng lên, ra sập để lại ở ghế cái áo tơi ủ rũ nó dần dần gục xuống như một người ngủ gật. Quan ngồi ghé ở sập nhìn vào mâm cơm. Con chim xào, đĩa trứng muối, đĩa củ cải đen, đĩa thịt gà, bát canh rau cải, không làm cho nét mặt quan thay đổi gì cả. Bà huyện xới xong bát cơm mới hỏi:
- Hay ông xơi một cốc rượu cao cho nó tỉnh?
Thấy chồng vẫn không đáp, bà huyện nghiêng mình mở tủ chè lấy nậm rượu và cái cốc để ra mâm cơm. Bà vừa rót đầy cốc rượu vừa bảo con gái:
- Dung ơi Dung! Con ra quạt cho cậu vài cái đi!
Dung bỏ cái đèn, vớ chiếc quạt ở kỷ, ra ngồi sau bố, vừa che miệng cười vừa phe phẩy mấy cái, nửa lần khân, nửa tôn kính. Mãi đến lúc ấy, ông huyện mới nói:
- Chết mất! Khó lòng thoát vỡ đê!
Vợ cau mày nghĩ vẩn vơ hồi lâu rồi hỏi: