Giới thiệu:
Vỡ Đê (1936), là một tiểu thuyết phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực…
Tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945. Nhà văn đã ca tụng những người cộng sản trong toà báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột đề chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác.
- Tôi không nói đùa! Việc quan không phải chuyện đùa!
Phú làm ra bộ cáu kỉnh:
- Thưa ông, tôi, tôi cũng không nói đùa!
Đến đây, ông lý đứng lặng người ra, ngạc nhiên nhìn. Sau cùng ông cúi mặt, cậy mấy hạt dử mắt. Ông lầu nhầu:
- Quái thật! Quái thật!
Vừa lúc ấy, cụ Cử hầm hầm đi ra, xỉa xói mãi vào mặt Phú:
- Đã biết chưa, hở con? Đã biết chưa? Nhục! Nhục! Bây giờ thì mới biết cái chân tư văn là cần nhé! Xưa kia nói thì cứ cang cảng gân cổ ra mà cãi mãi!
Phú nhớ lại lúc mẹ lấy được một bát họ năm chục bạc để định mua cho chàng cái tư văn, chàng đã phải hết sức phản đối, hết sức công kích... Trong hai mẹ con đã xảy ra một trận bất hòa kịch liệt, chỉ vì thương yêu nhau nhưng mà không hiểu nhau. Phú muốn dùng tiền ấy lợp lại cái nhà mục nát, trát lại mấy bức vách đã long lở, may cho mẹ và cho chị vài cái quần áo, trả những món nợ vặt, mua cho thằng cháu bồ côi một cái vòng bạc... những việc tối cần. Sau những trận cãi nhau khá kịch liệt mà chỉ kết cấu bằng nước mắt, bằng sự hờn, giận, chàng đã phải hết sức cương quyết cho đến kỳ cùng mới chống lại được cái nạn tư văn. Cụ Cử đã phải tấm tức nghe theo để may quần cho mình, cho con gái, lợp lại nhà, trát lại vách - Những việc cụ cho là không cần lắm.
Đến bây giờ...
Nước lên...
Phú định đi làm phu!
Cụ Cử lại xỉa xói hai ba lần nữa vào mặt con:
- Nhục! Giời ơi! Nhục ơi là nhục!...
Phú không kịp nghĩ đến sự thất hiếu với mẹ nữa. Chàng gắt:
- Ô hay! Đẻ làm gì thế? Đi phu thì đã làm sao?
- Nhục! Sức vóc học trò! Rồi ốm! Rồi chết!
Tuy mẹ nói thế nhưng ý nghĩ của con lại trái ngược hẳn. Phú cho việc mình đi hộ đê là một bổn phận phải gánh vác một cách sốt sắng. Dù là học trò, chàng cũng thấy mình đủ sức vóc làm những việc nặng nhọc. Chàng lại muốn dúng tay vào những việc chân lấm tay bùn của đồng bào dân quê để gánh vác đỡ một phần công lao tối tăm không biết đến của họ. Được gần với cái phần tử khốn khổ nhất của xã hội, Phú sẽ được dịp quan sát mọi điều, và mong sẽ nuôi được tấm lòng yêu nước; vì thế chàng đã mơ tưởng đến bao nhiêu cảnh lầm than nó kích thích mạnh vào tâm hồn chàng, nó làm cho chàng biết đến cái gì là cái há sinh. Thành thử Phú chỉ thấy việc đi làm phu là chứa chan thi vị. Chàng cứng cỏi nói bằng giọng một cái chiến thư:
- Ý tôi đã quyết, đẻ đừng nói gì nữa. Tôi ngồi không ở nhà thì cũng chẳng ích gì. Cụ Cử ngồi xuống bậu cửa khóc. Ông lý trưởng ngán ngẩm đứng lên:
- Thôi, cậu đi hay cậu vay tiền để thuê mượn thì tùy cậu đấy. Cứ biết là chốc nữa thì cậu đã phải có mặt tại điếm. Tôi còn sang làng bên giục nó thuê xe đánh tre đi. Xin cậu nhớ cho nếu có tiền thì là một đồng hai hào tiền người và tiền cây tre. Bằng không thì cậu chạy bộ một cây tre rồi đem ra điếm cho tôi. Thôi, xin phép cụ, chào cậu.