Giới thiệu:
Tiểu thuyết Số đỏ là câu chuyện kể về Xuân, thường gọi là “Xuân tóc đỏ”. Xuân là một cậu bé, một đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ, sống bằng nghề trèo me, trèo sấu kiếm tiền sống lay lắt qua ngày…
Vì từ nhỏ mồ côi, không ai nuôi dạy, nên bản chất của Xuân bị tha hóa, hắn có những hành động vô giáo dục nên bị cớm bắt giam. Nhưng cơ may đến, Xuân được cứu thoát bới bà Phó Đoan - là một mụ me Tây vô cùng dâm đãng. Từ đó, Xuân làm phục vụ cho một cửa hàng Âu hóa của vợ chồng Văn Minh do mụ Phó Đoan giới thiệu cho, đây là một cửa hàng chuyên phục vụ phái đẹp, nơi luyện quần vợt của bà Phó Đoan và vợ Văn Minh. Xuân tóc đỏ được nhận danh hiệu “sinh viên trường thuốc” rồi danh hiệu “đốc tờ Xuân”, hắn học thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, gia nhập với xã hội thuộc lưu, mở rộng các mối quan hệ với những nhân vật có thế lực, và được cô Tuyết em của Văn Minh con cụ cố Hồng yêu say đắm. Càng ngày hắn càng được nhiều người kính trọng và sợ hãi. Vô tình hắn gây ra cái chết của cụ cố tổ, và được gia đình nhà cụ cố vô cùng biết ơn vì điều này. Vợ chồng Văn Minh ra sức yêu chiều và tô vẽ cho Xuân, đồng thời cũng có ý định gã em gái là Tuyết cho Xuân dù biết quá khứ của hắn, nhưng vì Tuyết cũng đã mang cho mình cái danh hư hỏng nên đối với gia đình họ lại là niềm vui.
Xuân đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm tới Bắc Kì, hắn sử dụng rất nhiều thủ đoạn đê tiện để được thi đấu với đối thủ chính. Bằng cách hãm hại hai cầu thủ nổi tiếng trước khi trận đấu diễn ra, và cuối cùng hắn là người duy nhất để đấu với quán quân Xiêm. Vì để giữ mối giao hòa với nước Xiêm, nên đã yêu cầu Xuân thua. Kết thúc trận đấu, Xuân diễn thuyết giữa đám đông để mọi người hiểu hắn thua vì tổ quốc, hi sinh vì tổ quốc mình. Thế là hắn được tung hô, trở thành một anh hùng, một vĩ nhân. Được thưởng, được tham gia nhiều hội, và hắn trở thành con rể của cụ cố Hồng.
Chương VI
LẠI CHUYỆN SÂN QUẦN
TRONG NHÀ MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH
XUÂN TÓC ĐỎ NHẢY VÀO KHOA HỌC
Ba người cùng đứng ở cửa sổ nhìn xuống sân.
Bà Phó Đoan chỉ tay huyên thuyên nói:
- Đấy, anh chị xem! Ba công thợ rồi đấy. Mà chỉ mới được có thế! Không biết đến đời nào mới xong một cái sân quần!
Văn Minh chồng nói:
- Dì đừng nóng ruột, vì xây một cái sân quần không phải là việc chốc lát.
Văn Minh vợ cũng họa theo:
- Vả lại dì cháu ta có vội gì đâu! Bao giờ xong thì ta tập, ấy chỉ có thế.
Cái sân mới hơi hơi thành hình, vì người ta mới đổ nền bằng gạch đập vụn và tưới một vài nước bích toong(1). Chung quanh khu vườn vuông ấy, những cây chanh, những cây hồng, và cỏ, đều bị phạt đi, bị cuốc lên nằm ngổn ngang bừa bộn như trong một cảnh tàn phá. Bà Phó Đoan đã phá khu vườn hoa để xây cái sân quần ấy, chẳng bởi lòng hâm mộ thể thao mà thôi. Nhưng mà còn vì lẽ gì, cái đó đã có đấng Thượng đế biết rõ. Tuy vậy, bà cũng nói:
- Ngót tám trăm bạc một cái sân, chả biết thế là rẻ hay đắt!
Văn Minh vợ vội nói ngay:
- Không đắt đâu, dì ạ. Dì cứ nhớ lại những lúc các hội thể thao hết diễn kịch lại quyên tiền mà có mấy cái sân quần cũng mãi chẳng xây xong... Thế mà dì cho xây sân quần này chưa đến tám trăm, tưởng cũng là rẻ.
Cho rằng bà Phó Đoan làm việc ấy chỉ vì lòng hâm mộ thể thao và yêu chuộng cô cháu nghĩa là vợ mình, ông Văn Minh thấy cần nói những câu ân nghĩa để đối phó với một sự nhờ vả. Ông uốn lưỡi bẩy lần trong miệng rồi mới tán:
- Vả lại dẫu có đắt nữa thì cũng không nên phàn nàn. Biết đâu rằng sau khi nhà này có sân quần thì cuộc đời của dì lại không bắt đầu vào một kỷ nguyên mới? Rồi nhà này sẽ biến thành một nơi tựa như một câu lạc bộ, một chỗ họp mặt, một chỗ hẹn hò của những kẻ thượng lưu trí thức trong nước để làm việc cho xã hội một ngày một tốt đẹp văn minh thêm lên! Dì làm những việc ấy không những có lợi cho thanh danh của dì, nhưng mà cũng còn săn sóc đến cái tương lai của em Phước nữa. Theo ý tôi thì trẻ con thời buổi này cần được hưởng tất cả mọi sự giáo dục mới mẻ của văn minh, được giáo huấn về xác thịt cũng như về tinh thần. Xưa kia các cụ chỉ nghĩ đến khối óc mà thôi, đó là một sự sai lầm rất tai hại.
Ông ta nói thế một cách liến thoắng trôi trẩy như nước suối, sốt sắng như những người không thành thực chút nào cả, đến nỗi bà Phó Đoan nghe xong, tuy chẳng hiểu quái gì, nhưng cũng thấy êm tai, và nhất là sung sướng, vì cả hai bên cùng làm khác với ý nghĩ mà lại có vẻ như hiểu rõ bụng tử tế của nhau lắm. Việc xây sân quần mà lại để cho xã hội văn minh thì bà có cần gì?
Ba người quay vào buồng khách, ai cũng hài lòng như ai.
Tự nhiên bà Phó Đoan hỏi:
- Này cái anh chàng Xuân xem chừng cũng được việc đấy chứ?
Cô cháu đáp:
- Hắn thông minh lắm! Mới vào làm có vài ngày mà khách khứa xem ý ai cũng mến.
Bà Phó Đoan sung sướng mà rằng:
- Số anh ta tốt lắm đấy! Ở đâu là vui vẻ đấy, thịnh vượng đấy.
- Thế à! Có lẽ đúng thật! Từ hôm có hắn thì quả nhiên khách may mặc cũng có đông hơn lên.
Ông cháu rể ôn tồn:
- Được cái mồm miệng hắn cũng nhanh nhẩu.
Bà Phó thêm: