Giới thiệu:
Tác phẩm kể về nhân vật chính là chị Dậu. Trước khi lấy chồng chị vốn có tên là Lê Thị Đào, một cô gái đẹp, giỏi giang, tháo vát và sinh ra trong gia đình trung lưu.
Vốn lúc đầu, gia cảnh anh chị Dậu có dư dả, nhưng vì liền lúc mẹ và em trai anh Dậu cùng qua đời, anh chị dù đã hết sức cần kiệm nhưng vẫn phải tiêu quá nhiều tiền cho hai đám ma chay. Chưa hết, sau khi đám ma cho em trai xong, anh Dậu bỗng mắc bệnh sốt rét, không làm gì được, mọi vất vả dồn lên vai chị Dậu, khiến gia cảnh lâm vào hạng cùng đinh trong làng.
Mùa sưu đến, chị Dậu phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để nộp cho chồng, nhưng không kiếm đâu ra. Anh Dậu dù bị ốm nhưng vẫn bị bọn cai lệ cùm kẹp lôi ra giam ở đình làng. Cuối cùng, bần quá, chị buộc lòng phải dứt ruột bán đi cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi ngoan ngoãn hiếu thảo, và ổ chó mới đẻ cho vợ chồng lão Nghị Quế để lấy hai đồng nộp sưu. Nhưng vừa đủ tiền nộp sưu cho chồng, bọn cai trong làng lại ép chị nộp cả tiền sưu cho em trai anh Dậu với lí do chết ở năm ta nhưng lúc đó lịch năm tây đã sang năm mới. Vậy là anh Dậu vẫn bị cùm kẹp không được về nhà.
Nửa đêm, anh Dậu dở sống dở chết được đưa về. Được bà con lối xóm giúp đỡ, anh dần tỉnh lại. Một bà lão hàng xóm tốt bụng cho chị bò gạo nấu cháo để anh ăn lại sức. Nhưng vừa kề bát cháo lên miệng, bọn cai lệ và người nhà lý trưởng ập vào ép sưu. Chị Dậu ra sức van xin không được, cuối cùng uất ức quá, chị đã ra tay đánh cả cai lệ và tên người nhà lý trưởng.
Phạm tội đánh người nhà nước, chị bị thúc giải lên quan. Tên quan huyện lại là tên dâm ô, định ra tay sàm sỡ chị. Chị bèn vứt tọt nắm bạc vào mặt hắn rồi vùng chạy.
Sau đó, chị may mắn gặp một người nhà quan cụ trên tỉnh. Người này cho chị 2 đồng nộp nốt tiền sưu và hứa hẹn cho chị công việc vắt sữa để quan cụ uống (do quan cụ đã rụng hết răng không ăn được cơm). Chị bèn về bàn với anh Dậu, cho cái Tỉu làm con nuôi nhà hàng xóm, lên tỉnh làm việc.
Thời gian đầu, chị làm được tiền và gửi về cho anh Dậu. Nhưng vào một đêm tối, quan cụ mò vào buồng của chị... Tác phẩm kết thúc bằng câu "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy"!
Trên cái sân gạch Bát tràng mông mênh như bãi đá bóng, không điểm một vết bóng râm. Đàn chim bồ câu chổng mông mổ trên nong đỗ. Con gà mái ấp cục tác từ trên cửa chuồng nhảy xuống, ưỡn đít bón một bãi phân cho chậu lan. Mấy con lợn con theo mẹ nghễu nghện diễu chung quanh chậu nước vo gạo.
Không có người nào qua lại. Đánh bạo, chị Dậu xăm xăm tiến vào sân. Một đàn chó dữ như đàn hùm ở đâu nhất tề sồ ra. Chúng nó nhảy chồm lên tận mặt người lạ.
Hoảng quá, chị Dậu ngồi phịch xuống gạch, vừa vung cái nón khua đuổi những con ác thú, vừa kêu:
- Anh bếp có nhà không? Làm phúc đánh chó cho tôi với!
Trong nhà có tiếng thét ra the thé, nghe rõ là tiếng đàn bà:
- Làm gì mà nheo nhéo thế? Nhà ai không có chó? Làm sao đi không mang gậy? Thằng bếp còn bận việc khác, nó không phải hầu chúng bay!
Rồi lại im. Thì ra vợ chồng ông Nghị đương ăn cơm ở nhà khách. Nghe tiếng chị Dậu léo xéo, bà Nghị bực mình, quát đổng vài câu cho oai, chứ bà không thèm đứng dậy. Tính bà xưa nay vẫn thế, chẳng khi nào lại chịu hạ mình mà đi mắng chó, đuổi chó cho kẻ vay nợ hay người làm thuê.
Đàn chó cứ vây kín chung quanh chị Dậu như quân đèn cù. Hình như chúng nó muốn cố làm hết phận sự với chủ : con nào con ấy nhe răng lè lưỡi, chỉ chực vồ vào hai chân chị chàng đáng thương. Cái nón dùng làm khí giới đã bị đàn vật cắn rách tan tành. Chị Dậu luống cuống không biết làm thế nào. Bí quá, chị phải giơ hai nắm tay đánh nhau bộ với đội lính coi nhà của ông Nghị.
Một mụ thợ cấy ở dưới nhà bếp lật đật vác gậy chạy lên. Mụ đuổi đàn chó tán loạn mỗi con chạy đi mỗi ngả.
Chị Dậu lóp ngóp đứng dậy và đi đến trước nhà khách. Bàn tay phải bị chó cắn vào lúc nào không biết, máu chảy đầm đìa. Ghé răng, chị xé một miếng ở đầu dải yếm, buộc chặt lấy chỗ bị thương. Rồi rụt rè, chị lên bực thềm :
- Thưa lạy hai cụ ạ!
Bà Nghị gắt:
- Chó cắn vào tay phải không? Cho chết!
Đương lúc người ta ăn uống, ai bảo cứ dẫn xác vào? Hỏi gì?
Ông Nghị đặt bát xuống mâm, vừa nhai nhồm nhoàm vừa đón :
- Sáng ngày chồng nó đã sang xin bán đứa con. Chắc nó đến để nói nốt chuyện ấy, chứ gì nữa.
- Bẩm cụ phải, con sang thưa cụ về việc ấy.
Bà Nghị đưa mắt ra hiệu cho ông Nghị rồi bảo chị Dậu:
- Thong thả! Hãy ngồi đấy! Để cho người ta ăn xong cái đã. Đừng quấy rầy!
Ông Nghị như đã hiểu ý của vợ, cứ việc chan chan gắp gắp, không nói không rằng.
Khép nép, chị Dậu ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Mọi ngày tuy vẫn làm mướn cho ông Nghị ấy,
nhưng chi, chỉ thì thọt ra vào trong mấy gian bếp, chưa biết nhà trên thế nào. Hôm nay bạ men tới đây, ấy là lần đầu chị được trông thấy cảnh tượng nhà khách của ông dân biểu. Trong mắt chị nhà ấy lịch sự vô cùng. Nào ở cạnh bức hoàng phi khảm trai, mấy cô con gái tồng ngồng đùi, vú vừa nằm, vừa tủm tỉm cười tình.
Nào ở giữa đôi câu sơn then thiếp vàng hai thằng bé con béo tròn và xoay trần, lễ mễ khiêng hộp sữa bò cao lớn gần bằng chúng nó.
Nào ở bên chiếc độc bình men đỏ, cái điếu ống vất vểu vươn cành xe trúc dài thườn thượt như cái cần câu.
Rồi ở trong cái tủ chè chạm dây nho, một rổ trứng gà đầy lùm, ngất nghểu chồng trên bộ khay chè
trắng bóng. Rồi ở trước cái sập gụ lên nước, bốn chiếc ghế gụ mặt đá cùng chầu vào một chiếc bàn
mây sơn xanh. Và ở đầu cái giường tây sơn quang dầu, quần lĩnh thâm và khăn quàng nhiễu xanh cùng vắt một chỗ. Biết bao của quí vật lạ, chị Dậu nhìn vẫn chưa khắp. Trên bàn ăn có tiếng leng keng.